Charlie Tôn Quý: Từ hai bàn tay trắng tới 'vua' na

Charlie Tôn Quý: Từ hai bàn tay trắng tới 'vua' nail trên đất Mỹ

Ngày đăng: 10:03 AM 24/04/2018 - Lượt xem: 689

 

Hành trình mưu sinh trên đất Mỹ

Sinh ra tại Việt Nam, tuổi thơ khó khăn khiến Charlie Tôn Quý nghĩ tới việc đến Mỹ để tìm cơ hội đổi đời. Sau khi nhập cư thành công vào Mỹ (lúc đó Charlie 14 tuổi), ông tới bang New Orleans để sống cùng anh trai và một số họ hàng khác. Tôn Quý tốt nghiệp cấp 3 và vào học tại Đại học Louisiana State, chuyên ngành kỹ sư hóa học.

Một người bạn đã thuyết phục ông đổi sang chuyên ngành kinh doanh bởi như vậy ông có thể kiếm được nhiều tiền hơn khi tự kinh doanh thay vì đi làm thuê cho một người khác.

Trong thời gian đi học, Charlie phải vừa học vừa làm thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Ông từng làm việc 5 năm trong phòng nghiên cứu về ong mật để cung cấp thông tin cho các nông trại nuôi ong tại Hoa Kỳ.

Đến năm 1995, sau khi tốt nghiệp đại học, Charlie Tôn Quý bắt đầu bước chân vào thương trường với số vốn nhỏ nhoi. Vì vợ mở tiệm nail nên ông sớm nảy ra ý tưởng mở một công ty cung cấp trang thiết bị và hóa chất cho các tiệm nail khác.

Ông đặt tên công ty là Alfalfa Nails Supply và bắt đầu bán sản phẩm cho các salon nail ở địa phương và dần dần mở rộng thị trường ra khắp nước Mỹ.

 

2 năm “kỳ kèo” Walmart

Ý tưởng kinh doanh trong lĩnh vực nail đến vào năm 1997 khi Tôn Quý đang đi mua sắm trong một siêu thị Walmart. Ông thấy rằng trong siêu thị này có 2 salon tóc mà chưa hề có salon nail. Dựa trên quan sát đó, Tôn Quý đã nảy ra ý tưởng về salon nail có tên Regal Nail.

Cùng lúc đó, Charlie Tôn Quý gặp Bo Huynh – một người gốc Việt khác cũng đang có ý định mở một trung tâm thương mại và nhận ra nó quá phức tạp. Cả hai nhận thấy họ cần một đối tác để cùng thực hiện dự định này.

Tôn Quý lúc đó đã phát triển được hệ thống giải quyết việc mua lại địa điểm, thiết kế, nội thất và lắp đặt mọi thứ cần thiết để điều hành một chuỗi nhượng quyền. Ông cũng đảm nhận toàn bộ trách nhiệm quản lý, phát triển, tăng trưởng, lên kế hoạch và kiểm soát chất lượng.

Sau đó, Tôn Quý bắt đầu hẹn gặp mặt các lãnh đạo Walmart để thuyết phục họ cho thuê vị trí để mở cửa hàng Regal Nails. Lần đầu tiên, Walmart đã thẳng thừng từ chối đề xuất của Tôn Quý vì không nghĩ mô hình này có thể thành công.

Tuy nhiên, Tôn Quý không dễ dàng từ bỏ. Ông vẫn kiên trì gặp gỡ các lãnh đạo Walmart trong 2 năm liên tiếp cho tới khi họ đồng ý để ông mở cửa hàng thử nghiệm đầu tiên tại Shreveport.

Cửa hàng Regal Nails đầu tiên được mở vào ngày 29/10/1997 và ngay lập tức nó đã chứng minh sự thành công của mình – tạo tiền đề cho Walmart đồng ý để Tôn Quý mở thêm những cửa hàng khác bên trong siêu thị của họ.

 

“Vua” nail tại Mỹ

Ngoài Walmart, Tôn Quý bắt đầu bán nhượng quyền cho những người bạn đồng hương Việt Nam trên đất Mỹ và trong vòng 10 năm, tổng số cửa hàng nhượng quyền của ông đã lên tới con số gần 1.200 tiệm trải dài trên khắp đất Mỹ. Từ một người dân nhập cư với hai bàn tay trắng, Charlie đã xây dựng Regal Nails trở thành một đế chế nail lớn nhất tại Mỹ.

 

 

Dù là công ty tư nhân nên số liệu doanh thu và lợi nhuận không được công bố nhưng một số nguồn tin tiết lộ doanh thu mỗi năm của toàn hệ thống Regal Nails là khoảng 500 triệu USD. Mức doanh thu lên tới nửa tỷ USD mỗi năm quả thực là một con số không hề nhỏ chỉ với công việc chăm sóc và sơn sửa móng tay, móng chân tại Mỹ.

Ngoài ra, công ty Alfalfa Nails Supply đang có 60 nhân viên và sở hữu 8 nhà kho. Họ có tổng cộng 10.000 khách hàng salon.

 

Không ngủ quên trên thành công

Thành công với lĩnh vực nail là vậy nhưng Tôn Quý chưa có ý định cho phép mình nghỉ ngơi. Năm 2013, nhận thấy cơ hội trong thị trường café ông quyết định mạo hiểm thêm một lần nữa.

Chính vì vậy, ý tưởng mở tiệm cà phê có các hồ cá bao quanh để những người thưởng thức cà phê có thể ngắm cá, thỏa trí tò mò với tên gọi Charlie's Coffee ra đời.

Hiện tại, trong tổng số 6 tiệm Charlie's Coffee thì có 2 tiệm được mở ngay trong khu mua sắm Walmart.

Đúng như tôn chỉ kinh doanh của mình, Tôn Quý cho rằng việc kiếm tiền chỉ là một phần của câu chuyện, niềm vui lớn nhất với ông cũng như đa phần các doanh nhân khác tới từ việc tạo ra ý tưởng, biến chúng thành doanh nghiệp thành công và tạo ra doanh thu.

 

Vân Đàm

Theo Trí Thức Trẻ

Facebook